TÌNH YÊU… MỘT CHẤT NGHIỆN VƯỢT QUA THỜI GIAN !!

Xóm tôi có cụ ông 74 tuổi vừa qua đời, chẳng phải vì bệnh tật, chẳng phải do tai nạn. Ông kết thúc cuộc đời mình bằng cách tự thiêu. Nguyên nhân được chỉ ra là do ông bị con cái cản ngăn không cho… lấy vợ.
Nếu hành động ấy diễn ra ở người trẻ chắc hẳn sẽ gây nên nỗi xót xa, bởi người ta sẽ bao biện do sự dại khờ và nông nổi. Nhưng cụ già rồi, cuộc đời cũng đã nếm trải đủ mọi đắng cay, sao không chịu cảnh vui vầy cùng cháu con những năm tháng cuối đời mà còn đòi cưới vợ? Trước sự ra đi của cụ, người trẻ thì cười cợt bởi ở tuổi ông mà chết vì bị cấm yêu thì thấy nó vô lý quá, người có chút tuổi thì tặc lưỡi “già rồi, còn chi nữa mà ham”. Còn các con ông nghĩ gì, không ai biết.
Mẹ tôi kể, ngày xưa nhà cụ nghèo lắm, nghèo mà lại đông con nên thường xuyên thiếu ăn thiếu mặc. Vợ cụ cũng vì vất vả quá nên lao lực mà qua đời. Một mình cụ gà trống nuôi con, khổ cực trăm đường, nên dẫu thương cũng chẳng có người phụ nữ nào dám chung vai sẻ chia gánh nặng gia đình với cụ. Năm tháng trôi qua, các con cụ đều lớn khôn, con trai dựng vợ, con gái gả chồng, cuộc sống đã qua ngày khốn khó. Nhiều lần con cái muốn đón cụ về ở nhà cao cửa rộng, nhưng cụ không đành lòng rời xa ngôi nhà nhỏ ở làng, nơi đêm đêm cụ vẫn nhìn lên bàn thờ, nơi đặt di ảnh của người vợ đáng thương vắn số.
Dạo này hàng xóm thấy nhà cụ hay có khách. Khách là một phụ nữ trung niên thua cụ những hai chục tuổi, chẳng ai xa lạ mà là người phụ nữ góa chồng làng bên. Bà lấy chồng nhưng chồng mất sớm nên chưa kịp có một mụn con. Người ta bảo bà có gò má cao là tướng sát phu, vậy nên chẳng ai còn dám tiến tới cùng bà dẫu nhan sắc cũng khá mặn mà xinh đẹp.
Một người góa vợ, một kẻ góa chồng, chẳng còn vướng bận cái con, cùng nhau bầu bạn tuổi già âu cũng hợp tình hợp lẽ. Nhưng các con cụ không nghĩ thế. Họ rồng rắn kéo nhau về, lúc đầu còn lựa lời khuyên ngăn, rồi dần dần tiếng to phẫn nộ. Họ nói cụ già rồi, con đàn cháu đống rồi phải mẫu mực làm gương chứ ai lại làm mấy trò như con nít thế. Họ nói cụ không thương con thương cháu, không quan tâm thiên hạ cười chê, chỉ chăm chăm nghĩ đến bản thân mình. Họ nói bao nhiêu năm nay cụ đã ở vậy được một mình, giờ tuổi cao sức yếu rồi lại sinh ra đổ đốn. Tóm lại là các con cụ nhất quyết không đồng ý bố mình đi thêm bước nữa ở cái tuổi “cổ lai hi”. Sau cùng họ nhẫn tâm ra điều kiện nếu cụ muốn sống theo ý mình thì đừng nhìn mặt con cháu nữa.
Vào sáng mồng năm tết, cụ “đi”. Theo như khám nghiệm hiện trường của cơ quan điều tra thì cụ đã tự đi mua xăng rồi tự đốt mình. Hẳn là cụ đi trong nỗi cô đơn, trong nỗi tuyệt vọng, trong niềm đớn đau xa xót. Chẳng ai hiểu được cụ mong muốn gì, có cần phải đến mức thế không? Nhiều người bảo cụ điên rồ, bởi tuổi ấy rồi còn yêu đương gì nữa. Ai bảo già rồi thì không thể yêu đương? ai bảo tuổi tác sẽ làm cho trái tim khô cằn xúc cảm? Mà điều cụ muốn chắc gì đã phải là những ham muốn thường tình như người đời nghĩ. Có thể chỉ là cụ muốn có một người bầu bạn sớm hôm, cùng nhau đi qua những năm tháng cuối đời không cô quạnh. Điều cụ cần đâu phải nhà to, cơm ngon, áo đẹp, mà chỉ là có một người kề cận bên mình vào những sáng gió trở mùa, những đêm giông bão, sương sa. Sinh thời bà nội tôi từng nói: Với người già đêm thường dài hơn, vì họ già rồi nên họ ngủ ít. Họ thức nhiều hơn để tận dụng từng ngày mình đang sống. Những tâm tư của người già, người trẻ đôi khi không bao giờ hiểu được.
Tôi vẫn cứ ngẩn ngơ tiếc rằng, giá như cụ bình tĩnh hơn một chút. Cụ đâu có lỗi gì, đâu có sai trái gì. Cụ đã dành cả đời cho con rồi, cũng đến lúc cụ chỉ cần sống cho cụ. Con cái thấu hiểu cho thì tốt, không thấu hiểu được cũng chẳng cần màng. Không ai hiểu mình, chỉ cần mình hiểu mình là được. Nhưng ấy là tôi nghĩ thế thôi, chứ khi đã yêu rồi thì bất chấp người trẻ người già cũng khó kiểm soát bản thân mình lắm. Người ta chả bảo yêu là một thứ bệnh tâm thần được xã hội chấp nhận đó sao. Yêu là thứ cảm xúc cực kì đáng sợ, nó khiến ngực người ta mở ra, trái tim mở ra rồi ùa vào làm rối loạn hết tâm can, đến nỗi chẳng còn biết mình tỉnh hay mê, mình khôn hay dại. Và cụ thì đang yêu, có lẽ là như vậy.
Giá như các con cụ rộng lòng hơn một chút mà sét xuy, chắc rằng họ sẽ đồng cảm được với những mong ước của cha mình. Cha đã dành cả cuộc đời mình cho con, không có nghĩa là cha không có mưu cầu hạnh phúc. “Con chăm cha không bằng bà chăm ông” – câu nói này tôi tin là chính xác hoàn toàn và tuyệt đối. Nhưng tôi vẫn nghĩ cụ chọn cái kết bi ai như vậy chưa chắc là do mối duyên già bị phản đối, mà có lẽ là cụ quá đau lòng vì sự vô tâm vô tình của những đứa con. Hóa ra chỉ có mẹ cha là yêu thương con vô điều kiện, còn con cái cuối cùng chỉ nghĩ đến cảm xúc, đến sĩ diện của bản thân mình mà thôi.
.

Lê Giang

This entry was posted in 6- Văn Học, Bút Ký. Bookmark the permalink.

Leave a comment